GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ...

Ngày 08/11/2022 17:42:09, lượt xem: 6087

Đề bài: “Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ. Thi hứng không phải là sự trao tặng một bí quyết hay một lời nói cho kẻ đã hiện hữu rồi nhưng là sự trao tặng đời sống cho một kẻ chưa sinh ra”. (Maurice Blanchot, trích Những bậc thầy văn chương thế giới tư tưởng và quan niệm, NXB Văn học, 1995).

Bằng những trải nghiệm và hiểu biết văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

(Trích đề thi chọn HSGQG Sở GD&ĐT Hà Nội 22/10)

 

 

Bài làm

Trong bài thơ “Mình và ta”, Chế Lan Viên đã viết những vần thơ như thế này:

“Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình.

Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy!

Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy

Gửi viên đá con, mình lại dựng lên thành”.

Thật vậy, từ xưa đến nay, một tác phẩm có được coi là đắt giá, có giá trị hay không đều phụ thuộc vào vai trò của người cầm bút. Tuy nhiên, song song với công sinh thành của tác giả, đứa con tinh thần ấy có trường tồn hay không lại phụ thuộc rất lớn vào công sức của độc giả. Ấy vậy mới nói giữa nhà văn, tác phẩm và bạn đọc luôn tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ, sâu sắc. Cũng bàn luận về điều này, Maurice Blanchot đã phát biểu: “Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ. Thi hứng không phải là sự trao tặng một bí quyết hay một lời nói cho một kẻ đã hiện hữu rồi nhưng là sự trao tặng đời sống cho một kẻ chưa sinh ra”.

Phải chăng lúc đầu đọc “Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ”, ta sẽ cảm thấy thật khó hiểu. Thi sĩ là người kiến tạo ra tác phẩm văn học, có nhà thơ thì mới có bài thơ nhưng ở đây, nhà văn người Pháp lại khẳng định theo cách ngược lại “Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ”. Thực chất, câu nói này được hiểu rằng mỗi bài thơ, mỗi tác phẩm được viết ra phải thực sự có ý nghĩa, có giá trị thì tên tuổi của nhà thơ mới tồn tại trong lòng công chúng. Nếu một bài thơ viết xong nhưng nằm im trong ngăn kéo của nhà thơ hoặc không được ai đoái hoài tới thì chưa phải là tác phẩm văn chương thật sự và đương nhiên, người sáng tác ra tác phẩm đó cũng khó trở nên nổi tiếng. Còn với “Thi hứng không phải là sự trao tặng một bí quyết hay một lời nói cho kẻ đã hiện hữu rồi nhưng là sự trao tặng đời sống cho một kẻ chưa sinh ra”, ta nên hiểu thế nào? Trước hết, “thi hứng” là tác phẩm văn học, là thơ ca còn “kẻ đã hiện hữu” là những người đã từng trải, thấm thía, thấu hiểu cái hay của văn chương cũng như cuộc sống và “kẻ chưa sinh ra” là những người chưa nhận thức được cái hay, cái đẹp của văn học, chưa khai phá được những giá trị đúng đắn của cuộc đời. Câu nói thể hiện ý nghĩa của từng tác phẩm văn học với bạn đọc. Văn học như ngọn đuốc sẽ dẫn đường cho những “kẻ chưa sinh ra” được khai sáng, phân biệt bản chất tốt xấu để đi đúng hướng giống như những “kẻ đã hiện hữu”. Như vậy, ý kiến trên của Maurice Blanchot đã khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa tác giả - tác phẩm - độc giả, giữa nhà văn, nhà thơ với tác phẩm và người đọc luôn có sợi dây liên kết vô hình tác động qua lại lẫn nhau.

Pau-tốp-xki đã từng nói “Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Nhà văn hay nhà thơ phải đi tìm và lượm lặt những vẻ đẹp trong cuộc sống để rồi viết lên những trang thơ tràn đầy hương sắc. Nhà thơ là người kết lại những bông hoa nhưng những bông hoa ấy sẽ héo khô nếu ong không đến hút mật hoa. Cuộc đời sẽ phủ lớp bụi thời gian lên những trang thơ nếu nó không để lại những điều ý nghĩa. Và nếu như bài thơ ấy không còn sức sống thì thế giới rộng lớn ngoài kia cũng không biết tác giả của bài thơ này là ai. Người sáng tác ra những bài thơ chỉ được chú ý khi “Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được” bởi đằng sau những vỏ bọc chữ nghĩa ấy là những điều mà nhà thơ góp nhặt được từ những hạt quý ở đời.

Đất nước từ lâu đã bước vào thơ ca nghệ thuật và trở thành một điểm nhấn quan trọng, một đề tài lớn. Để phản chiếu cả một diện mạo đất nước trong những năm tháng đó, lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều tác phẩm. Ấy vậy mà cứ nhắc đến đề tài này là người ta lại nhớ ngay đến “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm bởi những giá trị mà bài thơ còn tồn tại mãi theo năm tháng thời gian. Tác giả đã khắc họa nên một “Đất Nước” rất thân quen mà mới lạ trong thi ca Việt Nam khi sử dụng đậm chất liệu văn hóa dân gian với cách định nghĩa thật gần gũi, quen thuộc nhưng cũng đầy sự thiêng liêng, cao quý “Để Đất Nước này là Đất Nước nhân dân/ Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Cách định nghĩa đất nước của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên rất khúc chiết, không trừu tượng mà cụ thể, dễ hiểu, đầy chất thơ, gắn liền với đời sống của nhân dân. Thông qua cách cảm nhận mới mẻ về đất nước, nhà thơ khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tự hào bản sắc văn hóa Việt. Chẳng cần hô hào “đao to búa lớn”, những ngôn từ giản dị trong đoạn trích “Đất Nước” nói riêng và trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung vẫn có sức hút lay động hàng triệu trái tim người Việt phải suy nghĩ, phải hành động vì một hình hài chữ S mang tên “Việt Nam” trên tấm bản đồ thế giới. Đất nước này là của nhân dân, của chính chúng ta nên mỗi người cần phải có ý thức trách nhiệm với đất nước, với tổ quốc bởi chúng ta vừa là người xây dựng nhưng đồng thời cũng là người bảo vệ và phát triển. Có thể nói Nguyễn Khoa Điềm “là nhà thơ sau khi có bài thơ”. Nhờ trường ca “Mặt đường khát vọng” và đoạn trích này mà nhiều bạn đọc biết đến tác giả Nguyễn Khoa Điềm nhiều hơn. Ông thực sự đã rất thành công với tác phẩm văn học này của mình và ghi đậm dấu ấn trong lòng mọi người bởi cách truyền tải thông điệp thân quen, dễ nhớ.

 

ĐỌC THÊM TỔNG HỢP 30 QUAN NIỆM CỰC HAY VỀ NGHỆ THUẬT, THƠ CA

 

Nhà văn R.Gamzatốp khi bàn về thơ ca cũng từng nói “Nếu như các nhà thơ không tham gia vào việc tạo dựng thế giới thì thế giới không trở nên tươi đẹp như thế này. Thiếu thơ ca không gì có thể trở thành chính nó”. Thơ ca trân trọng cái đẹp, thuần khiết của con người, giáo dục con người hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Và nếu như không có các nhà thơ thì thế giới đầy bí ẩn này có được khám phá một cách sâu sắc đến như vậy không? Đọc những vần thơ, tâm hồn ta như được rộng mở trước thế giới vừa thực, vừa mộng. Thế giới ấy mới thực sự là điều để ta vươn tới, từ đó con người có những định hướng đúng đắn trên bước đường của mình. Quả thật “Thi hứng không phải là sự trao tặng một bí quyết hay một lời nói cho một kẻ đã hiện hữu rồi nhưng là sự trao tặng đời sống cho một kẻ chưa sinh ra”.

Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu trong thi phẩm “Vội vàng” đã để lại những ấn tượng khó phai mờ bởi những khám phá về cuộc sống nơi trần thế mà ít ai thấy được:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây là của đồng nội xanh rì

Của yến anh này đây khúc tình si”.

Có lẽ bình thường sẽ chẳng ai quan tâm những vạn vật nhỏ bé bình dị ở cuộc sống này nhưng đến khi những thức say nồng của thiên nhiên vạn vật đi vào thơ ca của ông, người đọc mới thấy hết cái đẹp của cuộc sống và rút ra được quan niệm thơ mới mẻ: sống vội vàng để hưởng thụ, để cống hiến vì tuổi trẻ “chẳng hai lần thắm lại”. Và cứ vậy, cứ đắm chìm trong những trang thơ ấy của Xuân Diệu, người đọc chiêm nghiệm được những giá trị của cuộc sống để từ đó sống cống hiến cho đời.

Có đến với thơ ca, ta mới thấu hiểu đời lính gian nan, cực nhọc như thế nào. Những người lính phải trải qua bao thử thách, hiểm nguy với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với bệnh tật, sốt rét nguy hiểm đến tính mạng:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Rét run người vầng trán ướt mồ hôi”

(Đồng Chí - Chính Hữu)

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Bóc trần sự thật cuộc sống với hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến không thể không làm rung lên những tình cảm trong tâm hồn nhà thơ để họ hướng ngòi bút của mình về chủ đề ấy. Để từ đó, ta có thêm những hiểu biết về sự thật cuộc đời và có định hướng cho tương lai. Qua đó, mọi người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng cần phải biết ơn thế hệ đi trước, sống có trách nhiệm, cống hiến cho tổ quốc và xây dựng xã hội, đất nước phát triển, giàu đẹp.

 

ĐỌC THÊM 50+ TÁC PHẨM NẰM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH NÊN ĐỌC DÙNG LIÊN HỆ MỞ RỘNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

 

Ví như viết về tình yêu, “Tôi yêu em” của Puskin là một kiệt tác kinh điển. Sự đau đớn, nuối tiếc, cao thượng trong tình yêu mà tác giả ẩn náu dưới những con chữ đã thực sự chạm đến trái tim của độc giả khắp nơi trên thế giới. Đọc bài thơ đó, người chưa yêu thì hiểu tình yêu là gì, yêu như thế nào, người đã yêu thì càng thấm thía, người đang tan vỡ thì nhận được sự đồng cảm, an ủi. Vậy chẳng phải bài thơ đó cho ta những bài học về tình yêu, bài học về sự tôn trọng đối phương cùng với sự cao thượng trong tình cảm hay sao?

Ý kiến “Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ. Thi hứng không phải là sự trao tặng một bí quyết hay một lời nói cho kẻ đã hiện hữu rồi nhưng là sự trao tặng đời sống cho một kẻ chưa sinh ra” là ý kiến hoàn toàn đúng đắn. Ý kiến thể hiện mối quan hệ tuần hoàn giữa tác giả - tác phẩm - người đọc. Thơ ca tồn tại thì tác giả mới có chỗ đứng trong lòng người đọc và thơ ca luôn thể hiện chức năng giáo dục, luôn soi đường cho những “kẻ chưa sinh ra” đi đúng đường đúng lối, nhận thức được những giá trị sống sâu sắc và rút ra bài học cho bản thân.

Thơ ca đến với cuộc sống từ khi nào, bắt nguồn từ đâu? Ta sẽ chẳng thể nào tìm được câu trả lời chính xác cho câu hỏi đó. Thế nhưng từ lâu, nó đã là món ăn tinh thần không thể thiếu làm đa dạng thêm hương vị cuộc sống này. Nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Những tri thức, tình cảm, cái đẹp trong thơ ca luôn gần gũi với con người, vẽ thêm những mảng màu cho cuộc sống. Vì thế, thi ca mãi mãi gắn liền với tâm hồn nhân loại và trường tồn mãi với thời gian.

 

2k5 nhanh tay đồng hành cùng chị trong khóa học CODE VĂN 2022 để săn 4.5đ NLVH nha.

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan